CÓ THỂ SỬ DỤNG SONG SONG CHỮ KÝ ĐIỆN TỬ VÀ CHỮ KÝ TRUYỀN THỐNG TRONG CÙNG MỘT VĂN BẢN?

THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN ĐỐI VỚI VIỆC CÔNG ĐOÀN LÌ XÌ TẾT, TẶNG QUÀ TẾT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
18/02/2024

CÓ THỂ SỬ DỤNG SONG SONG CHỮ KÝ ĐIỆN TỬ VÀ CHỮ KÝ TRUYỀN THỐNG TRONG CÙNG MỘT VĂN BẢN?

– Trong bối cảnh công nghệ ngày càng hiện đại như hiện nay, việc sử dụng Chữ ký điện tử (hay Chữ Ký Số) được xem như một điều tất yếu, nhằm đảm bảo sự thành công của các giao dịch.

– Theo đó, Chữ ký điện tử (hay Chữ Ký Số) được các doanh nghiệp sử dụng khá phổ biến nhằm đảm bảo tính an toàn cho doanh nghiệp và cũng bởi sự tiện lợi khi sử dụng của loại chữ ký này. Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng song song chữ ký điện tử và Chữ ký truyền thống còn vướng nhiều thắc mắc từ các doanh nghiệp. Qua đó, bằng bài viết này FUJILAW sẽ giải đáp thắc mắc vấn đề này như sau:

1. Căn cứ Điều 4.6, Luật Giao Dịch Điện Tử 2005 (Sau đây gọi là “Luật Giao Dịch Điện Tử”) quy định “Giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử.”;

2. Căn cứ Điều 4.10, Luật Giao Dịch Điện Tử quy định “Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự.”;

3. Căn cứ Điều 21.1, Luật Giao Dịch Điện Tử quy định “Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệuvà xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký. ”;

4. Căn cứ Điều 24.1, Luật Giao Dịch Điện Tử quy định:

1. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu chữ ký điện tử được sử dụng để ký thông điệp dữ liệu đó đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác minh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu;

b) Phương pháp đó là đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi.

5. Căn cứ Điều 3.6, Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định:

“Chữ ký số” là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:

a) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;

b) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.”

6. Căn cứ Điều 3.5, Luật Thương mại 2005 quy định “Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu giữ bằng phương tiện điện tử.

7. Với các quy định từ Mục 1-6 thì:

(i) Chữ ký điện tử (hay Chữ Ký Số) được dùng ĐỂ KÝ CHO MỘT THÔNG ĐIỆP DỮ LIỆU;

(ii) Mà “Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu giữ bằng phương tiện điện tử.” chứ không phải in giấy và gửi đi bằng đường Bưu Điện;

(iii) TỪ ĐÂY CÓ THỂ KẾT LUẬN:

 a. Chỉ sử dụng Chữ ký điện tử (hay Chữ Ký Số) trong GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ;

 b. Điều này có nghĩa, khi một bên đã dùng Chữ ký điện tử (hay Chữ Ký Số) thì bên còn lại cũng phải dùng Chữ ký điện tử (hay Chữ Ký Số) mới hình thành MỘT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ ĐƯỢC.

(iv) Tuy vậy:

 a. Điều 3.15, Luật Thương mại quy định “Các hình thức có giá trị tương đương văn bảnbao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.”; và

b. Không có quy định nào chỉ ra rằng HỢP ĐỒNG SẼ VÔ HIỆU khi một bên sử dụng Chữ ký điện tử (hay Chữ Ký Số) và một bên sử dụng Chữ ký bình thường;

c. Đây chính là lý do mà các bên sử dụng trộn lẫn cả hai hình thức Chữ ký điện tử (hay Chữ Ký Số) và một bên sử dụng Chữ ký truyền thống.

8. TÓM LẠI:

(i) Nếu đúng quy định và bản chất của việc sử dụng Chữ ký điện tử (hay Chữ Ký Số) thì không thể in ra văn bản để ký với chữ ký bình thường;

(ii) Song Luật không có cấm và cũng không nói vô hiệu nên CHÍNH YẾU VẪN LÀ HAI BÊN GIAO DỊCH CHẤP NHẬN HÌNH THỨC KÝ NÀY khi thực hiện giao dịch giữa các Bên.

Hi vọng nội dung bài viết trên sẽ giúp ích cho Quý Doanh nghiệp trong quá trình sử dụng Chữ ký điện tử (hay Chữ Ký Số).

—–