Ngày 1-7-2015 là thời điểm đặc biệt: ngày Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực. Luật Doanh nghiệp xác lập quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà luật không cấm đồng thời cho doanh nghiệp tự quyết định số lượng con dấu trong doanh nghiệp. Trong khi đó, Luật Đầu tư bãi bỏ giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận doanh nghiệp. Với tinh thần thoáng như vậy, giới doanh nhân và giới đầu tư kỳ vọng rất nhiều vào những cải cách này.
Và, giống như một căn bệnh kinh niên trong việc làm luật tại Việt Nam, luật có hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn. Thế nên luật thoáng thì kệ luật, nhà đầu tư vẫn là người chịu hậu quả cuối cùng từ sự chậm trễ của các nhà làm luật và sự thụ động của người thi hành luật. Ví dụ sau đây là một việc mới xảy ra tại địa phương X.
Một doanh nghiệp 100% vốn FDI được UBND thành phố này cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 15-6-2015. Sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư, công ty đã tiến hành khắc dấu vào ngày 17-6-2015 và dự kiến ngày 19-6-2015 cơ quan công an sẽ trao con dấu cho công ty theo biên nhận. Người đại diện theo pháp luật của công ty đã bay sang Việt Nam để nhận con dấu trực tiếp vì cơ quan công an không cho ủy quyền nhận dấu thay.
Đến ngày 5-7-2015, khi vị này đến cơ quan công an nhận dấu thì được thông báo rằng sau ngày 1-7 theo Luật Doanh nghiệp 2014, cơ quan công an không thực hiện việc khắc dấu nữa. Con dấu vừa khắc xong phải hủy đi và cơ quan công an yêu cầu doanh nghiệp liên hệ với công ty khắc dấu để khắc dấu cho doanh nghiệp.
Do không thể thuyết phục cơ quan công an cho sử dụng con dấu vừa mới chính cơ quan ấy cấp cho, doanh nghiệp phải tìm đến công ty khắc dấu để khắc dấu. Tưởng rằng có con dấu theo luật mới là công ty hoạt động được, tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như thế.
Sau khi khắc dấu xong, doanh nghiệp đi đăng ký sử dụng con dấu tại sở kế hoạch đầu tư đúng theo Luật Doanh nghiệp mới.
Sở kế hoạch và đầu tư, căn cứ theo Công văn 4211/BKHĐT-ĐKKD ngày 26-6-2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thi hành tạm thời Luật Doanh nghiệp, trả lời doanh nghiệp rằng, việc đăng ký sử dụng con dấu là theo Luật Doanh nghiệp 2014, mà luật quy định đối với công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư riêng và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh riêng.
Do vậy, nếu doanh nghiệp muốn sở kế hoạch và đầu tư chấp nhận đăng ký sử dụng con dấu thì công ty phải tiến hành tách nội dung đăng ký kinh doanh trong giấy chứng nhận đầu tư hiện nay thành hai phần, một phần cho việc thành lập doanh nghiệp (trở thành giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) và một phần cho dự án (trở thành giấy chứng nhận đăng ký đầu tư). Hỏi kỹ thủ tục tách giấy chứng nhận đầu tư như thế nào thì sở kế hoạch và đầu tư lại bảo là… chưa có hướng dẫn.
Cuối cùng, dù đã có giấy chứng nhận đầu tư và đã có con dấu nhưng công ty không thể sử dụng con dấu được. Lý do là theo quy định, con dấu chỉ được đưa vào sử dụng khi thông báo mẫu dấu đã được phòng đăng ký kinh doanh tiếp nhận và thông báo của doanh nghiệp được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 được tuyên truyền là một đợt cải cách lớn để phát triển tinh thần khởi nghiệp, thu hút đầu tư… tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc ban hành văn bản hướng dẫn cộng với tư duy thụ động và cũ kỹ trong thực thi luật khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư gặp khó khăn hơn cả khi luật chưa cải cách.
Và câu hỏi của nhà đầu tư khiến chúng ta phải suy nghĩ: UBND thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư cho tôi nhưng sở kế hoạch và đầu tư lại phủ nhận giá trị của nó, vậy chúng tôi nhận giấy chứng nhận đầu tư để làm gì? Chúng tôi tốn tiền khắc hai con dấu mà chưa sử dụng được, vậy chúng tôi hoạt động thế nào?
Luật sư Trần Văn Trí.
Đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn số ra ngày 12/7/2015.