LDN hiện hành: Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;
LDN 2020: Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
I. BỔ SUNG NHÓM ĐỐI TƯỢNG BỊ CẤM THÀNH LẬP VÀ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 LDN hiện hành thì có sáu (06) nhóm đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, Điều 17 LDN 2020 bổ sung thêm ba (03) nhóm đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp, bao gồm:
(i) Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp);
(ii) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
(iii) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
II. KHÔNG PHẢI THÔNG BÁO MẪU DẤU DOANH NGHIỆP
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 LDN hiện hành: “Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”. Tuy nhiên, LDN 2020 không quy định về việc doanh nghiệp phải thông báo mẫu con dấu trước khi sử dụng.
Ngoài ra, Điều 43 LDN 2020 cũng cho phép doanh nghiệp có quyền tự quyết loại con dấu là được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số (token) theo pháp luật về giao dịch điện tử. Quy định mới này là phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, giảm tải thủ tục hành chính và tạo ra môi trường kinh doanh năng động cho các doanh nghiệp.
III. THAY ĐỔI KHÁI NIỆM VỀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 LDN hiện hành “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”. Tuy nhiên, Khoản 11 Điều 4 LDN 2020 đã sửa đổi: “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật Doanh Nghiệp 2020”.
Một lần nữa, LDN 2020 lại quay về định nghĩa doanh nghiệp nhà nước như Luật Doanh nghiệp 2005. Có lẽ, Nhà Nước hiện thấy ra rằng định nghĩa doanh nghiệp nhà nước theo LDN hiện hành không thực sự phù hợp với các luật khác điều chỉnh cho doanh nghiệp nhà nước.
IV. RÚT NGẮN THỜI GIAN BÁO TRƯỚC KHI TẠM NGỪNG HOẶC TIẾP TỤC KINH DOANH TRƯỚC THỜI HẠN ĐÃ THÔNG BÁO
Khoản 1 Điều 206 LDN 2020 đã rút ngắn thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo từ chậm nhất 15 ngày (Khoản 1 Điều 200 LDN hiện hành) xuống còn 03 ngày làm việc.
V. THAY ĐỔI MÔ HÌNH QUẢN LÝ TRONG CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN DO TỔ CHỨC LÀM CHỦ SỞ HỮU
Theo quy định tại Điều 79 LDN 2020 thì Kiểm soát viên đã bị loại bỏ ra khỏi các mô hình tổ chức quản lý và hoạt động của công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu.
Tuy nhiên, đối với công ty có chủ sở hữu công ty là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 LDN 2020 thì phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp khác do công ty quyết định.
VI. SỬA ĐỔI BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ PHẦN VỐN GÓP TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT
So với quy định tại Điều 54 LDN hiện hành, Điều 53 LDN 2020 đã bổ sung thêm hai (02) trường hợp xử lý phần vốn góp, cụ thể:
– Khoản 8 Điều 53 LDN 2020 quy định “Trường hợp thành viên công ty là cá nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì thành viên đó ủy quyền cho người khác thực hiện một số hoặc tất cả quyền và nghĩa vụ của mình tại công ty”;
– Khoản 9 Điều 53 LDN 2020 quy định “Trường hợp thành viên công ty là cá nhân bị Tòa án cấm hành nghề, làm công việc nhất định hoặc thành viên công ty là pháp nhân thương mại bị Tòa án cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định thuộc phạm vi ngành, nghề kinh doanh của công ty thì thành viên đó không được hành nghề, làm công việc đã bị cấm tại công ty đó hoặc công ty tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề có liên quan theo quyết định của Tòa án”.
Bên cạnh đó, Điều 53 LDN 2020 cũng sửa đổi các nội dung sau:
– Người quản lý tài sản của thành viên là cá nhân bị Tòa án tuyên bố mất tích (theo pháp luật dân sự) không còn nhất thiết phải là thành viên của công ty như quy định tại Khoản 1 Điều 54 LDN hiện hành;
– Trường hợp thành viên bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì quyền và nghĩa vụ của thành viên đó trong công ty được thực hiện thông qua người đại diện (theo LDN hiện hành là được thực hiện thông qua người giám hộ).
VII. GIA TĂNG QUYỀN HẠN CỦA CỔ ĐÔNG/NHÓM CỔ ĐÔNG THIỂU SỐ
Theo quy định của LDN hiện hành thì điều kiện để cổ đông/nhóm cổ đông có một số quyền đặc biệt như: Xem xét và kiểm tra các tài liệu của công ty, triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông, … là phải “sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty” (Khoản 2 Điều 114 LDN hiện hành). Tuy nhiên, LDN 2020 đã giảm tỷ lệ này xuống còn “sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty”, theo đó, thì “thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng” cũng bị bãi bỏ (Khoản 2 và 3 Điều 115 LDN 2020).
Riêng đối với quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát vẫn giữ tỷ lệ “sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty” nhưng cũng không yêu cầu “thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng” như LDN hiện hành nữa.
VIII. SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ CHÀO BÁN CỔ PHẦN RIÊNG LẺ CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN KHÔNG PHẢI CÔNG TY ĐẠI CHÚNG
Bổ sung điều kiện về việc chào bán cổ phần riêng lẻ, cụ thể:
– Không chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;
– Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Bổ sung thêm quy định cổ đông được quyền ưu tiên mua, nếu không mua hết thì mới chào bán cho người khác với điều kiện không được thuận lợi hơn đã chào bán cho cổ đông (cổ đông cũng có quyền chuyển quyền ưu tiên mua của mình cho người khác). Quy định này không áp dụng đối với trường hợp phát hành cổ phần về sáp nhập hay hợp nhất.
Bãi bỏ quy định phải thực hiện thủ tục thông báo phát hành cổ phần riêng lẻ cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.
(Điều 125 LDN 2020)
IX. SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐIỀU KIỆN TIẾN HÀNH HỌP CỔ ĐÔNG VÀ THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG
Tỷ lệ cổ đông dự họp để đủ điều kiện tổ chức cuộc họp và tỷ lệ cổ đông dự họp/tỷ lệ cổ đông để thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông với một số nội dung thông thường và lấy ý kiến bằng văn bản được điều chỉnh tỷ lệ “từ 51% trở lên“ (Khoản 2 Điều 141 và Khoản 4 Điều 144 LDN hiện hành) xuống còn “trên 50%” (Điều 145, Khoản 2 và Khoản 4 Điều 148 LDN 2020).
LDN 2020 bổ sung thêm quy định tại Khoản 6 Điều 148 về “Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về nội dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi chỉ được thông qua nếu được số cổ đông ưu đãi cùng loại dự họp sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành hoặc được các cổ đông ưu đãi cùng loại sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành trong trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản”.
X. ỦY QUYỀN THAM DỰ HỌP ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG
LDN 2020 đã bỏ quy định việc ủy quyền tham dự họp Đại hội đồng cổ đông phải theo mẫu do công ty phát hành, thay vào đó, chỉ cần bằng văn bản và được lập theo quy định của pháp luật về dân sự.
Điều này giúp đơn giản hóa thủ tục cho công ty khi gửi thông báo mời họp không phải gửi kèm theo mẫu Giấy ủy quyền, cũng như tạo sự linh hoạt cho cổ đông.
XI. BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ CHẤP THUẬN HỢP ĐỒNG, GIAO DỊCH GIỮA CÔNG TY VỚI NGƯỜI CÓ LIÊN QUAN
Khoản 3 Điều 167 LDN 2020 đã bổ sung quy định “Hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó” thuộc thẩm quyền chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông dù giao dịch này dưới 35% tổng giá trị tài sản trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty.
XII. QUYỀN KHỞI KIỆN CỦA CỔ ĐÔNG ĐỐI VỚI QUYẾT ĐỊNH, NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ
Khoản 4 Điều 153 LDN 2020 quy định bất cứ cổ đông nào cũng có quyền yêu cầu khởi kiện hủy bỏ Quyết định, Nghị quyết của Hội đồng quản trị thay vì chỉ cổ đông sở hữu cổ phần liên tục trong 01 năm như Khoản 4 Điều 149 LDN hiện hành.
Trân trọng./.