CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT – QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT HƯỞNG CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT VÀ MỘT VÀI HỖ TRỢ BỔ SUNG ÁP DỤNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CHẾT DO COVID-19

KHUNG PHÁP LÝ QUAN HỆ LAO ĐỘNG TRONG THỜI GIAN ẢNH HƯỞNG BỞI DỊCH COVID – 19
05/08/2021
THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KHAI TỬ
25/08/2021

CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT – QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT HƯỞNG CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT VÀ MỘT VÀI HỖ TRỢ BỔ SUNG ÁP DỤNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CHẾT DO COVID-19

CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT – QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT HƯỞNG CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT

Căn cứ:

– Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 (“Luật BHXH”);

– Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc (“Nghị định 115/2015/NĐ-CP”);

– Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc (“Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH”);

– Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 về quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH BHTN (“Quyết định 166/QĐ-BHXH”);

– Công văn số 3194/BHXH-CSXH ngày 08/10/2020 V/v hướng dẫn một số điểm mới về quy trình thực hiện giải quyết chế độ TNLĐ, BNN theo quy định tại Nghị định số 88/2020/NĐ-CP và phân cấp theo quy định tại Quyết định số 166/QĐ-BHXH (“Công văn 3194/BHXH-CSXH).

1. Chế độ tử tuất

1.1Trợ cấp mai táng:

(i) Điều kiện hưởng trợ cấp mai táng:

Trợ cấp mai táng được áp dụng khi những người lao động (“NLĐ”) sau đây bị chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, bao gồm:

Trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội (“BHXH”) bắt buộc[1]:

a. NLĐ là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đang đóng BHXH hoặc NLĐ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH mà đã có thời gian đóng từ đủ mười hai (12) tháng trở lên;

b. NLĐ chết do tai nạn lao động (“TNLĐ”), bệnh nghề nghiệp (“BNN”) hoặc chết trong thời gianđiều trị do TNLĐ, BNN ;

c. Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng đã nghỉ việc.

Trường hợp tham gia BHXH tự nguyện[2]:

a. NLĐ có thời gian đóng BHXH từ đủ sáu mươi (60) tháng trở lên;

b. Người đang hưởng lương hưu.

Trường hợp vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện: Nếu có từ đủ mười hai (12) tháng đóng BHXH bắt buộc trở lên thì trợ cấp mai táng được thực hiện theo chính sách BHXH bắt buộc[3].

(ii) Đối tượng và mức hưởng trợ cấp mai táng[4]:

Khi NLĐ chết thì người lo mai táng được nhận một lần:

Trợ cấp mai táng = 10 lần mức lương cơ sở tại tháng NLĐ chết = 14.900.000 đồng 

[Hiện nay mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng]

Trường hợp NLĐ bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng.

* TRƯỜNG HỢP NGƯỜI CHẾT VÌ COVID-19 ĐƯỢC HỖ TRỢ CHI PHÍ MAI TÁNG:

– Theo Quyết định 3022/QĐ-TLĐ ngày 09/8/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nếu đoàn viên, NLĐ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn tử vong do bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 kể từ ngày 27/4/2021, thân nhân sẽ được hỗ trợ 5.000.000 đồng/người tử vong;

– Theo hướng dẫn về việc xử lý thi hài người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 tại Quyết định 5188/QĐ-BYT ngày 14/12/2020 và Quyết định số 2233/QĐ-BCĐQG ngày 29/5/2020, thi hài người nhiễm SARS-CoV-2 phải được hỏa táng, chỉ mai táng trong trường hợp không thực hiện được việc hỏa táng;

– Việc hỗ trợ chi phí hỏa táng sẽ tùy vào chính sách của từng địa phương, ví dụ:

# Hà Nội: theo Phụ lục 03 quy định chính sách hỗ trợ sử dụng hình thức hỏa táng của thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020, mức hỗ trợ được quy định như sau:

+ Hỗ trợ chi phí hỏa táng:

> Thi hài người lớn: 3.000.000 đồng/ca;

> Thi hài trẻ em dưới 06 tuổi: 1.500.000 đồng/ca.

+ Hỗ trợ chi phí vận chuyển: 1.000.000 đồng/ca;

+ Hỗ trợ chi phí khác:

Đối với người dân thuộc hộ nghèo, trẻ em dưới sáu (06) tuổi; các đối tượng người có công đang được nuôi dưỡng thường xuyên tại các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; các đối tượng xã hội đang được nuôi dưỡng thường xuyên tại các cơ sở trợ giúp xã hội công lập của thành phố Hà Nội, đối tượng điều trị tại Bệnh viện 09 – Sở Y tế Hà Nội; người lang thang vô gia cư chết trên địa bàn thành phố Hà Nội:

> Áo quan hỏa táng: 1.250.000 đồng/ca;

> Túi đồ khâm liệm: 500.000 đồng/ca;

> Bình đựng tro cốt: 250.000 đồng/ca;

> Chi phí quản lý lưu giữ bình tro: 5.270.000 đồng/ô.

Thời gian thực hiện: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

# Thành phố Hồ Chí Minh: theo Quyết định số 14/2015/QĐ-UBND ngày 10/3/2015 quy định về chính sách hỗ trợ chi phí khuyến khích hỏa táng trên địa bàn Tp.HCM:

– Hỗ trợ 2.500.000 đồng/lượt hỏa táng cho các đối tượng sau: Các đối tượng chính sách đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè, Hộ nghèo (theo tiêu chí của Thành phố trong từng thời kỳ), …

– Hỗ trợ 1.500.000 đồng/lượt hỏa táng cho các đối tượng: Đối tượng hưu trí, Hộ cận nghèo (theo tiêu chí của Thành phố trong từng thời kỳ), Người dân có hộ khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh;

– Miễn phí hỏa táng cho trẻ từ sáu (06) tuổi trở xuống có hộ khẩu hoặc tạm trú (KT3) tại Thành phố Hồ Chí Minh.

1.2. Trợ cấp tuất hằng tháng:

Chỉ áp dụng đối với trường hợp tham gia BHXH bắt buộc.

Trường hợp vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện: Nếu có từ đủ mười lăm (15) năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện theo chính sách BHXH bắt buộc[5].

(i) Điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng[6]:

NLĐ đáp ứng các điều kiện nêu tại Mục II.1.1.(i) – Điều kiện hưởng trợ cấp mai táng, mà thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng:

a. Đã đóng BHXH đủ mười lăm (15) năm trở lên nhưng chưa hưởng BHXH một lần;

b. Đang hưởng lương hưu;

c. Chết do TNLĐ, BNN;

d. Đang hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

(ii) Đối tượng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng[7]:

Thân nhân NLĐ bị chết được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng bao gồm:

a. Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;

b. Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c. Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng, thành viên khác trong gia đình mà NLĐ đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, 55 tuổi trở lên đối với nữ;

d. Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng, thành viên khác trong gia đình mà NLĐ đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Thân nhân quy định tại các điểm b, c và d trên phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở. Thu nhập theo quy định này không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.

(iii). Mức trợ cấp tuất hằng tháng[8]:

Mức trợ cấp tuất/mỗi thân nhân = 50% mức lương cơ sở = 745.000 đồng/tháng

Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng:

Mức trợ cấp tuất/mỗi thân nhân = 70% mức lương cơ sở = 1.043.000 đồng/tháng

[Hiện nay mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng]

Lưu ý:

– Trường hợp một (01) NLĐ chết thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không quá bốn (04) người; trường hợp có từ hai (02) NLĐ chết trở lên thì thân nhân của những người này được hưởng hai (02) lần mức trợ cấp trên;

– Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng mà NLĐ chết. Trường hợp khi bố chết mà người mẹ đang mang thai thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của con tính từ tháng con được sinh.

1.3. Trợ cấp tuất một lần:

Áp dụng đối với trường hợp tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

(i) Điều kiện hưởng trợ cấp tuất một lần:

Trường hợp tham gia BHXH bắt buộc[9]:

NLĐ đáp ứng các điều kiện nêu tại Mục II.1.1.(i) – Điều kiện hưởng trợ cấp mai táng, mà thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần:

a. NLĐ chết không thuộc các trường hợp để thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng;

b. NLĐ chết thuộc một trong các trường hợp thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng nhưng không có thân nhân đủ điều kiện hưởng;

c. Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp con dưới sáu (06) tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

d. NLĐ chết mà không có thân nhân (con đẻ, con nuôi, vợ/chồng, cha/mẹ đẻ, cha/mẹ nuôi, cha vợ/chồng, mẹ vợ/chồng hoặc thành viên khác trong gia đình mà NLĐ đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình) thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật thừa kế.

Trường hợp tham gia BHXH tự nguyện[10]:

NLĐ đang đóng BHXH, NLĐ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, người đang hưởng lương hưu khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần.

(ii) Mức tính hưởng trợ cấp tuất một lần[11]:

a. Đối với NLĐ đang tham gia BHXH hoặc NLĐ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH mà chết, mức hưởng trợ cấp tuất một lần cho thân nhân được tính theo số năm đóng BHXH trước khi qua đời:

– Cho những năm đóng BHXH trước năm 2014: cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH;

– Cho các năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi: cứ mỗi năm tính bằng hai (02) tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Trường hợp tham gia BHXH bắt buộc: Mức thấp nhất bằng ba (03) tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Trường hợp tham gia BHXH tự nguyện: Trường hợp NLĐ có thời gian BHXH chưa đủ một (01) năm thì mức trợ cấp tuất một lần bằng số tiền đã đóng nhưng mức tối đa bằng hai (02) tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH; trường hợp NLĐ có cả thời gian đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện thì mức hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng ba (03) tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH.

b. Đối với người đang hưởng lương hưu mà chết, mức trợ cấp tuất một lần cho thân nhân được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu:

– Nếu chết trong hai (02) tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng bốn mươi tám (48) tháng lương hưu đang hưởng;

– Nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm một (01) tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu; mức thấp nhất bằng ba (03) tháng lương hưu đang hưởng nếu tham gia BHXH bắt buộc.

2. Quy trình giải quyết hưởng chế độ tử tuất

2.1. Bước 1: Lập hồ sơ

Thân nhân NLĐ lập hồ sơ như sau:

(i) Đối với thân nhân của người đang đóng BHXH và thân nhân người bảo lưu thời gian đóng BHXH:

a. Bản chính sổ BHXH;

b. Bản sao Giấy chứng tử hoặc bản sao Giấy báo tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao Quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

c. Bản chính Tờ khai của thân nhân (mẫu 09-HSB);

d. Bản chính Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động (“KNLĐ”) của Hội đồng giám định y khoa (“GĐYK”) đối với thân nhân bị suy giảm KNLĐ từ 81% trở lên (trường hợp NLĐ đã có biên bản GĐYK để hưởng các chính sách khác trước đó mà đủ điều kiện hưởng thì có thể thay bằng bản sao) hoặc bản sao Giấy xác nhận khuyết tật mức độ đặc biệt nặng (tương đương mức suy giảm KNLĐ từ 81% trở lên) theo quy định tại Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH trong trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng do suy giảm KNLĐ;

e. Trường hợp chết do TNLĐ, BNN thì có thêm Biên bản điều tra TNLĐ hoặc bản sao bệnh án điều trị BNN;

f. Trường hợp thanh toán phí GĐYK thì có thêm Hóa đơn, chứng từ thu phí giám định kèm theo bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện GĐYK;

g. Bản chính Bản khai cá nhân về thời gian, địa bàn phục vụ trong Quân đội có hưởng phụ cấp khu vực (Mẫu số 04C – HBQP ban hành kèm theo Thông tư 136/2020/TT-BQP ngày 29/10/2020) đối với người có thời gian phục vụ trong Quân đội trước ngày 01/01/2007 tại địa bàn có hưởng phụ cấp khu vực mà sổ BHXH không thể hiện đầy đủ thông tin làm căn cứ tính phụ cấp khu vực.

(ii) Đối với thân nhân của người đang hưởng hoặc tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng: Hồ sơ bao gồm các mục b, c, d, f như trên.

Số lượng hồ sơ: một (01) bộ.

2.2. Bước 2: Nộp hồ sơ

(i) Nơi nộp hồ sơ:

a. Trường hợp NLĐ đang đóng BHXH bắt buộc mà bị chết: Thân nhân nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động (“Đơn vị SDLĐ”), Đơn vị SDLĐ tiếp nhận đủ hồ sơ từ thân nhân NLĐ nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH nơi đơn vị đóng BHXH;

b. Trường hợp NLĐ bị chết mà đang bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc (áp dụng đối với cả trường hợp người bị chết trong thời gian đang đóng BHXH mà đơn vị SDLĐ đã thực hiện chốt sổ BHXH nếu thân nhân có nguyện vọng trực tiếp nộp hồ sơ, trừ trường hợp chết do TNLĐ, BNN) hoặc đang chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp cán bộ xã hàng tháng hoặc tham gia BHXH tự nguyện: Thân nhân nộp hồ sơ theo quy định cho cơ quan BHXH hoặc UBND cấp xã nơi thân nhân cư trú;

c. Trường hợp người đang hưởng hoặc đang tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng chết: Thân nhân nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH hoặc UBND cấp xã nơi thân nhân cư trú hoặc nơi đang chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng.

(ii) Hình thức nộp hồ sơ:

Đơn vị SDLĐ, thân nhân NLĐ nộp hồ sơ bằng một trong các hình thức sau:

a. Qua giao dịch điện tử;

b. Qua dịch vụ bưu chính công ích;

c. Trực tiếp tại cơ quan BHXH;

d. Qua UBND cấp xã (chỉ áp dụng cho thân nhân NLĐ trực tiếp nộp hồ sơ).

2.3. Bước 3: Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định:

(i) Thời hạn giải quyết:

Tối đa tám (08) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo quy định.

(ii) Nhận kết quả:

a. Hồ sơ giấy tờ liên quan:

– Nếu nộp hồ sơ thông qua Đơn vị SDLĐ: Nhận kết quả từ Đơn vị SDLĐ;

– Nếu trực tiếp nộp hồ sơ: Nhận kết quả theo hình thức đã đăng ký (Trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc qua giao dịch điện tử đơn vị SDLĐ hoặc qua UBND cấp xã).

b. Tiền trợ cấp: Trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc thông qua tài khoản cá nhân.

(iii) Lệ phí: Không.

_____________________________________________

[1] Điều 66 Luật BHXH;

[2] Điều 80 Luật BHXH;

[3] Điều 71 Luật BHXH;

[4] Khoản 2 Điều 66 Luật BHXH;

[5] Điều 71 Luật BHXH;

[6] Khoản 1 Điều 67 Luật BHXH;

[7] Khoản 2, 3 Điều 67 Luật BHXH;

[8] Điều 68 Luật BHXH;

[9] Điều 69 Luật BHXH;

[10] Điều 81 Luật BHXH;

[11] Điều 70 Luật BHXH.