NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ NHIỄM COVID-19 TẠI NƠI LÀM VIỆC CÓ ĐƯỢC XEM LÀ TAI NẠN LAO ĐỘNG

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ, HỘ KINH DOANH TRONG BỐI CẢNH DỊCH COVID -19 THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 105/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
24/09/2021
HỖ TRỢ ĐOÀN VIÊN, NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ ẢNH HƯỞNG DỊCH COVID-19 THEO QUYẾT ĐỊNH 3749 CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
21/12/2021

NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ NHIỄM COVID-19 TẠI NƠI LÀM VIỆC CÓ ĐƯỢC XEM LÀ TAI NẠN LAO ĐỘNG

Liên quan đến việc NLĐ bị nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc có được xem là Tai nạn lao động (“TNLĐ”), Bệnh nghề nghiệp (“BNN”) hay không, và được hưởng chế độ như thế nào? Thì hiện nay, đây được xem là vấn đề trước đây chưa có tiền lệ và chưa có bất kỳ văn bản nào hướng dẫn, thậm chí, Sở LĐTBXH cũng chưa thể giải đáp mà đang kiến nghị cho Bộ LĐTBXH kịp thời hướng dẫn. (https://thanhnien.vn/tp-hcm-nhan-cong-bi-lay-nhiem-covid-19-tu-cong-ty-co-tinh-la-tai-nan-lao-dong-post1406512.html)  

Do đó, những đánh giá sau đây của FUJILAW chỉ mang tính quan điểm. Để biết chính xác, chúng ta sẽ phải đợi hướng dẫn từ Bộ LĐTBXH.

1. Tai nạn lao động:

(i) Theo Khoản 8, Điều 3, Luật ATVSLĐ thì: “ Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.”

(ii) Các quy định pháp luật tại Luật An toàn, vệ sinh lao động không định nghĩa thế nào là “Tai nạn”. Tuy nhiên, Chúng ta có thể hiểu tai nạn là sự kiện xảy ra bất ngờ ngoài ý muốn, do tác động bên ngoài, gây nên thương tích cho cơ thể.

(iii) Theo luật định, để được xem là Tai nạn lao động thì nó phải xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

=> Như vậy, mặc dù Dịch bệnh Covid-19 xảy ra bất ngờ, ngoài ý muốn, gây tổn thương cho cơ thể, tuy nhiên nó được xem là một căn bệnh, chứ không phải một tai nạn, bản thân việc chúng ta gọi Covid-19 là “Dịch bệnh” cũng đã chứng minh cho luận điểm này.

Đồng thời, một trong các điều kiện để được xem là tai nạn lao động, thì tai nạn đó phải gắn liền với quá trình thực hiện nhiệm vụ lao động, tuy nhiên với tình hình dịch bệnh hiện nay, nguồn lây có thể từ bất cứ đâu, rất khó để truy vết và khẳng định NLĐ bị nhiễm bệnh tại nơi làm việc, hoặc khi thực hiện nhiệm vụ lao động ngoài phạm vi nơi làm việc.

2. Bệnh nghề nghiệp:

Theo quy định tại Khoản 9, Điều 3, Luật ATVSLĐ thì: “Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.”

=> Như vậy, Dịch bệnh Covid-19 được coi là BNN nếu NLĐ làm các công việc, nghề nghiệp buộc phải tiếp xúc với Virus SARS-CoV-2, từ đó bị lây nhiễm Covid-19. Ví dụ, những y, bác sỹ, nhân viên y tế, có tham gia điều trị, thăm khám, làm việc trực tiếp với bệnh nhân nhiễm Covid 19 mà bị lây nhiễm, thì trường hợp này được xác định là BNN. (Bộ Y Tế cũng đã đề xuất tại dự thảo Danh mục một số nghề, công việc thường tiếp xúc với virus SAR-CoV-2 và sẽ được hưởng BHXH. Để biết thêm chi tiết, vui lòng truy cập đường link sau:http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/Bo-sung-COVID19-la-benh-nghe-nghiep-duoc-huong-BHXH/447441.vgp)

 Trừ các nghề, công việc đã được nêu tại đường link bên trên, khi NLĐ thực hiện các nghề, công việc khác không bắt buộc phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 trong quá trình lao động của mình thì sẽ không được xem là BNN.

3. Trách nhiệm bồi thường, trợ cấp (nếu có):

Giả định trường hợp NLĐ bị nhiễm Covid-19 và được coi là TNLĐ, BNN thì khi này, Người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) phải có trách nhiệm bồi thường và trợ cấp theo như quy định tại Điều 38 Luật ATVSLĐ, cụ thể:

(i) Bồi thường cho NLĐ bị TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra;

(ii) Bồi thường cho NLĐ bị BNN;

 (iii) Trợ cấp cho NLĐ bị TNLĐ mà lỗi do chính họ gây ra.

=> Như vậy, có thể thấy rằng chỉ cần NLĐ bị TNLĐ, BNN thì NSDLĐ phải có trách nhiệm bồi thường hoặc trợ cấp cho NLĐ (tùy theo mức độ lỗi để xác định bồi thường hoặc trợ cấp cho NLĐ bị TNLĐ, BNN).

Hiện nay Dịch bệnh Covid-19 được xem là sự kiện bất khả kháng, không thể khống chế, dập dịch được nữa, mà chúng ta phải chấp nhận sống chung với nó, và bất kỳ ai đều có thể bị nhiễm. Vì vậy, nếu NLĐ bị nhiễm Covid-19 gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ lao động và được xác định là TNLĐ, dẫn tới NSDLĐ phải có trách nhiệm bồi thường, trợ cấp cho NLĐ thì thật không công bằng và đẩy NSDLĐ vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

4. Kết luận:

Từ những phân tích nêu trên, quan điểm của FUJILAW là NLĐ bị nhiễm Covid 19 gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ lao động không được xem là TNLĐ. Trường hợp NLĐ làm các nghề, công việc phát sinh trong quá trình lao động của mình mà phải tiếp xúc với Virus SARS-CoV-2 thì được coi là BNN. Những trường hợp nhiễm Covid-19 khi làm các công việc, nghề nghiệp khác thì không được xem là BNN.

Tuy nhiên, trên đây chỉ là các suy luận và kinh nghiệm của FUJILAW. Để biết chính xác thì phải chờ hướng dẫn của Bộ LĐTBXH, hoặc Công ty có thể soạn văn bản để chủ động hỏi ý kiến Bộ LĐTBXH để được hướng dẫn trước khi thực hiện.

Trân trọng./.