I. CÁC ĐỊNH NGHĨA:
Liên quan đến xuất bản phẩm, sẽ có 03 hoạt động như sau: (i) Xuất Bản Xuất Bản Phẩm; (ii) Phát hành xuất bản phẩm; và (iii) Nhập khẩu xuất bản phẩm.
– Xuất bản phẩm là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình ảnh, âm thanh và được thể hiện dưới các hình thức sau đây:
a) Sách in;
b) Sách chữ nổi;
c) Tranh, ảnh, bản đồ, áp-phích, tờ rời, tờ gấp;
d) Các loại lịch;
đ) Bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách.
– Xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử.
– Phát hành là việc thông qua một hoặc nhiều hình thức mua, bán, phân phát, tặng, cho, cho thuê, cho mượn, xuất khẩu, nhập khẩu, hội chợ, triển lãm để đưa xuất bản phẩm đến người sử dụng.
– Quyền nhập khẩu là quyền được nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu. Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
– Bán buôn là hoạt động bán hàng hóa cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ và thương nhân, tổ chức khác; không bao gồm hoạt động bán lẻ.
– Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng.
II. MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG CHO NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI:
1. Căn cứ Cam kết WTO:
Chưa cam kết mở cửa thị trường đối với hiện diện thương mại theo quy định tại Biểu cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO.
2. Quy định của pháp luật chuyên ngành:
2.1. Theo quy định của Luật Xuất Bản thì:
(i) “Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam có liên quan đến hoạt động xuất bản.”
=> Như vậy, pháp luật chuyên ngành của Việt Nam đã mở cửa cho NDT nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến xuất bản phẩm.
(ii) Tuy nhiên, Luật Xuất Bản còn quy định:
“Điều 12. Đối tượng thành lập nhà xuất bản và loại hình tổ chức nhà xuất bản:
1. Cơ quan, tổ chức sau đây được thành lập nhà xuất bản (sau đây gọi chung là cơ quan chủ quản nhà xuất bản):
a) Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương và cấp tỉnh;
b) Đơn vị sự nghiệp công lập ở trung ương, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp ở trung ương trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và tài liệu khoa học, học thuật.
2. Nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu”.
=> Theo đó, hoạt động Xuất bản xuất bản phẩm chỉ áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp Nhà nước. Nên Nhà đầu tư KHÔNG thể đầu tư trong lĩnh vực Xuất bản xuất bản phẩm.
2.2. Theo quy định tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật quản lý ngoại thương về hoạt động Mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của NĐTNN, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam:
Theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 5 và điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định 09/2018 thì NĐT chỉ được bán lẻ vật phẩm đã ghi hình; sách; báo và tạp chí khi đã có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi để bán lẻ tại các cơ sở đó.
=> Như vậy, Nhà đầu tư không được bán lẻ sách (xuất bản phẩm) (trừ trường hợp lập cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi).
2.3. Theo quy định tại Thông tư 34/2013/TT-BCT ngày 24 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công thương: quy định về Danh mục sách, báo, tạp chí không được nhập khẩu và phân phối, cụ thể:
(i) Hàng hóa liên quan đến xuất bản phẩm không được thực hiện quyền nhập khẩu:
Mã số hàng hóa |
Mô tả hàng hóa |
Báo, tạp chí chuyên ngành và các xuất bản phẩm định kỳ, có hoặc không có minh họa tranh ảnh hoặc chứa nội dung quảng cáo. |
|
4902.10.00 |
– Phát hành ít nhất 4 lần trong một tuần |
4902.90 |
– Loại khác: |
4902.90.10 |
– – Tạp chí và ấn phẩm định kỳ về giáo dục, kỹ thuật, khoa học, lịch sử hoặc văn hóa |
4902.90.90 |
– – Loại khác |
(ii) Hàng hóa liên quan đến xuất bản phẩm không được thực hiện quyền phân phối:
TT |
Mô tả hàng hóa |
7 |
Sách, báo và tạp chí |
7.1 |
Các loại sách in, sách gấp, sách mỏng và các ấn phẩm tương tự, dạng tờ đơn hoặc không phải dạng tờ đơn |
7.2 |
Báo, tạp chí chuyên ngành và các xuất bản phẩm định kỳ, có hoặc không có minh họa tranh ảnh hoặc chứa nội dung quảng cáo |
7.3 |
Sách, tranh ảnh, sách vẽ hoặc sách tô màu cho trẻ em |
Tóm lại, Nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện các hoạt động sau liên quan đến xuất bản phẩm:
(i) Nhập khẩu xuất bản phẩm, trừ xuất bản phẩm tại Mục (i) trên;
(ii) Bán buôn xuất bản phẩm, trừ xuất bản phẩm tại Mục (ii) trên;
(iii) Phát hành xuất bản phẩm, trừ trường hợp phát hành xuất bản phẩm dưới các hình thức sau:
– Bán lẻ xuất bản phẩm nếu không có cơ sở bán lẻ; và
– Nhập khẩu và bán lẻ các xuất bản phẩm liệt kê như trên.
II. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH PHÁT HÀNH VÀ NHẬP KHẨU XUẤT BẢN PHẨM:
Vì các hàng hóa mà NĐT kinh doanh là hàng hóa thuộc diện sản xuất, kinh doanh có điều kiện, do đó, để được phép hoạt động, NĐT phải đáp ứng các điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Theo đó:
1. Hoạt động kinh doanh Phát Hành Xuất Bản Phẩm:
1.1. Cơ sở phát hành là doanh nghiệp phải đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản trước khi hoạt động 15 ngày, theo đó:
(i) Cơ sở phát hành có trụ sở chính và chi nhánh tại hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đăng ký hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông;
(ii) Cơ sở phát hành có trụ sở chính và chi nhánh tại cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký hoạt động với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
1.2. Điều kiện hoạt động đối với cơ sở phát hành:
(i) Người đứng đầu cơ sở phát hành phải thường trú tại Việt Nam; có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về phát hành xuất bản phẩm do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành phát hành xuất bản phẩm cấp;
(ii) Có một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật;
(iii) Có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm.
2. Hoạt động kinh doanh Nhập Khẩu Xuất Bản Phẩm:
2.1. Cơ sở hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm phải có giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
2.2. Điều kiện để Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm bao gồm:
(i) Có một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;
(ii) Người đứng đầu cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải thường trú tại Việt Nam, có văn bằng do cơ sở đào tạo chuyên ngành cấp hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ phát hành xuất bản phẩm do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp; trong đó văn bằng do cơ sở đào tạo chuyên ngành cấp cho người đứng đầu cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải là bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành phát hành xuất bản phẩm;
Trường hợp người đứng đầu cơ sở hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành khác, phải có giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ phát hành xuất bản phẩm do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp;
(iii) Trường hợp kinh doanh nhập khẩu sách, ngoài các điều kiện quy định nêu trên, còn phải có ít nhất 05 (năm) nhân viên đủ năng lực thẩm định nội dung sách, cụ thể: Phải có thẩm niên công tác trong hoạt động xuất bản ở Việt Nam từ 05 năm trở lên, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành ngoại ngữ hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành khác nhưng có trình độ ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu thẩm định nội dung sách nhập khẩu và có giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ phát hành xuất bản phẩm do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
2.3. Ngoài ra, đối với từng lần nhập khẩu xuất bản phẩm, thì Cơ sở còn phải nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm cho lần đó, kèm theo Danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu. Theo đó:
(i) Trường hợp NĐT thực hiện hoạt động nhập khẩu xuất bản phẩm ĐỂ KINH DOANH thì trước khi nhập khẩu, cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải lập hồ sơ đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh gửi Cục Xuất bản, In và phát hành (trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) và nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.
(ii) Trường hợp NĐT thực hiện hoạt động nhập khẩu xuất bản phẩm KHÔNG KINH DOANH thì trước khi nhập khẩu, cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh gửi: (i) Cơ quan, tổ chức ở trung ương, tổ chức nước ngoài có trụ sở tại thành phố Hà Nội gửi hồ sơ đến Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; hoặc (ii) Cơ quan, tổ chức khác và cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở hoặc nơi có cửa khẩu mà xuất bản phẩm được nhập khẩu và nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.
Trân trọng./.