Implementing new Investment Law & Enterprise Law – Three solutions

Legal gaps in Decree No. 05/2015/ND-CP relation to the Labor Code
09/01/2018
Law changes but attitudes do not
09/01/2018

Implementing new Investment Law & Enterprise Law – Three solutions

Đã hơn hai mươi ngày kể từ ngày Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực. Thời điểm này mới hiện rõ sự bế tắc trong khâu áp dụng hai luật này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã tạm thời chữa cháy bằng hai công văn (i) 4211/BKHĐT-ĐKKD ngày 26-6-2015 và (ii) 4333/BKHĐT-PC ngày 30-6-2015 để giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư. Tuy vậy, những hồ sơ có yếu tố nước ngoài đã nộp trước ngày 1-7-2015 nhưng chưa xử lý xong và từ ngày 1-7-2015 đều đang trong tình trạng chờ hướng dẫn thêm nữa.

Luật Đầu tư mới đã tách hẳn nội dung đăng ký đầu tư (kết quả là giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) và đăng ký kinh doanh (kết quả là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) thành hai thủ tục hoàn toàn độc lập với nhau. Điều này là khá rõ ràng đối với việc thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài từ sau ngày 1-7-2015.

Nhưng đối với những công ty đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2005, giờ muốn điều chỉnh các thông tin trên giấy này thì buộc phải làm thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Mẫu I.9 của Công văn 4333 và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo Công văn 4211 (công văn này chỉ cung cấp biểu mẫu và viện dẫn thêm các giấy tờ quy định tại Nghị định 43/2010/NĐ-CP). Quy định là vậy nhưng thủ tục nào cần làm trước? Không một ai hướng dẫn cả, và dĩ nhiên, sở KHĐT bảo chờ hướng dẫn.

Một yếu tố khác, góp phần làm trầm trọng hơn thực trạng này, là chuyện con dấu. Đây được xem là một bước đột phá nửa vời, khi mà luật đã cho phép các doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp, song muốn sử dụng thì phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Thủ tục này được quy định tại Luật Doanh nghiệp mới nên cơ quan đăng ký kinh doanh mặc nhiên hiểu rằng nếu muốn đăng ký sử dụng con dấu thì phải có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đây cũng là nội dung thể hiện trong Thông báo 8729/KHĐT-TNXL (Thông báo 8729) do Sở KHĐT TPHCM phát hành ngày 17-7-2015 (nhưng đến tận ngày 27-7-2015 mới gửi cho doanh nghiệp).

Cũng tại Thông báo 8729, Sở KHĐT TPHCM nói rõ nếu muốn được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì cần làm thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Trên thực tế, có nhiều công ty được cấp giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2005 và chưa có nhu cầu đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp vì chưa đi vào hoạt động. Nếu không đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp thì không thể cấp được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì không thể công bố mẫu dấu và tất nhiên không có con dấu để sử dụng. Vậy chẳng lẽ doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2005 rồi không thể làm gì nữa?Điều này tưởng chừng giản đơn nhưng đối với các công ty đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2005 mà chưa khắc dấu theo quy định cũ thì tìm đâu ra giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vì trong giấy chứng nhận đầu tư đã có sẵn nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp!

Các sở KHĐT rất giản đơn khi trả lời bằng ba chữ chờ hướng dẫn mà không hiểu rằng nhà đầu tư đang phải chịu thiệt hại từng ngày khi phải trả phí thuê mặt bằng, phí nhân công, chậm tiến độ và đánh mất cơ hội kinh doanh… Chưa kể, họ có thể phải chịu phạt oan vì theo khoản 1, điều 22, Luật Quản lý thuế thì đối tượng đăng ký thuế phải đăng ký thuế trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nếu chậm trễ phải chịu phạt theo quy định tại điều 5, Nghị định 129/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế. Biết là vậy nhưng không có con dấu thì không thể làm thủ tục kê khai thuế. Hóa ra vì lỗi của cơ quan nhà nước mà nhà đầu tư vừa mất tiền, vừa bị phạt oan!

Chúng ta đều thừa nhận sự thiếu sót của luật (hoặc chủ ý của các nhà làm luật là để cho nghị định hướng dẫn giải quyết) khi chưa dự liệu những trường hợp cần có sự phối hợp để xử lý các tình huống kết hợp giữa giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thậm chí cả khâu đăng ký sử dụng con dấu.

Trong khi chưa có nghị định hướng dẫn, vẫn có hướng giải quyết cho các vướng mắc như sau:
Thứ nhất, nếu đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2005 nhưng chưa kịp khắc dấu theo luật cũ thì giờ vẫn khắc dấu theo luật mới và vẫn thông báo đăng ký sử dụng con dấu mà không cần có thêm giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vì trong giấy chứng nhận đầu tư đã có thông tin của giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp rồi.

Thứ hai, nếu đã nộp hồ sơ trước ngày 1-7-2015 thì sở KHĐT chủ động tham mưu cấp hai giấy cho nhà đầu tư là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không phải yêu cầu nhà đầu tư phải làm thêm thủ tục chuyển đổi gì nữa. Lý do: thành phần hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2005 (trước đây) đã bao gồm hai thông tin là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Thứ ba, tương tự, nếu công ty đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2005 thì khi điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư chỉ cần làm thủ tục điều chỉnh theo Công văn 4333 – Mẫu I.9 và điền thêm đơn theo Công văn 4211 – Mẫu I.26  mà không cần yêu cầu thêm hồ sơ như khi thành lập mới vì các thông tin này đã được cung cấp đầy đủ khi đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2005. Lúc này, sở KHĐT chủ động tham mưu để cấp hai giấy là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Các giải pháp này hoàn toàn không sai luật và sẽ giải quyết ngay được bế tắc.

Mỗi lần đổi mới được coi như một bước ngoặt. Song, nếu ngoặt hình xoắn ốc thì mới tiến lên được, còn chỉ là một vòng cung thì trở thành hình tròn. Cuối cùng sau bao nhiêu năm đổi mới thì đâu lại vào đấy. Đó là tình trạng của chúng ta hiện nay.

Luật sư Trần Văn Trí

Đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn số ra ngày 02/8/2015.