DỰ THẢO BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (LẦN 5) (NĂM 2019) VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

DOANH NGHIỆP SIÊU NHỎ ĐƯỢC HỖ TRỢ 100% CHI PHÍ TƯ VẤN PHÁP LUẬT
23/07/2019
DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẦU TƯ VÀ LUẬT DOANH NGHIỆP (LẦN 3)
30/08/2019

DỰ THẢO BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (LẦN 5) (NĂM 2019) VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) (“Dự thảo”) với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) như sau:

– Định nghĩa về HĐLĐ có bổ sung nội dung: “Các thỏa thuận khác có nội dung thể hiện về công việc phải làm, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên được xác định là hợp đồng lao động.” Điều này đã loại trừ các cách lách như hiện nay;

– Dự thảo đã bỏ đi HĐLĐ theo mùa vụ, chỉ còn hai (02) loại HĐLĐ là: (i) HĐLĐ xác định thời hạn (không quá 36 tháng); và (ii) HĐLĐ không xác định thời hạn. Theo đó, nếu HĐLĐ hết hạn mà không ký mới thì sẽ được chuyển hóa ngay thành HĐLĐ không xác định thời hạn.

Ngoài ra, quy định chuyển hóa HĐLĐ này cũng loại trừ đối với bốn (04) trường hợp sau: người lao động được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn Nhà nước, người lao động cao tuổi, người lao động nước ngoài và người lao động là cán bộ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động;

– Không được dùng Phụ lục để gia hạn thời hạn của HĐLĐ;

– Liên quan đến thử việc: Dự thảo yêu cầu giao kết hợp đồng thử việc (nếu có thỏa thuận thử việc), chứ không ghi “có thể” như Bộ luật lao động hiện hành. Đồng thời, bổ sung thời gian thử việc không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp;

– Nếu do yêu cầu sản xuất kinh doanh của người sử dụng lao động mà tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với HĐLĐ thì phải được người lao động đồng ý bằng văn bản;

– Đối với quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người lao động, bất kể loại HĐLĐ, người lao động chỉ cần báo trước mà không cần lý do; không cần báo trước trong một số trường hợp đặc biệt; và phải báo dài ngày hơn đối với một số ngành nghề, công việc đặc thù.

Ngoài ra, trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, Dự thảo đã bỏ đi quy định về nghĩa vụ hoàn trả chi phí đào tạo;

– Đối với quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động, Dự thảo đã bổ sung ba (03) trường hợp sau: (i) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu; (ii) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ năm (05) ngày làm việc liên tục trở lên; và (iii) Người lao động cung cấp thông tin nhân thân sai sự thật khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động;

– Cuối cùng, các bên có mười bốn (14) ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ để thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, thay vì bảy (07) ngày làm việc như hiện nay.

Trân trọng./.